Thượng Hải - thiên đường của 'cái bang'

Theo Giải phóng nhật báo Thượng Hải, cảnh sát thành phố đã phát động chiến dịch chống ăn xin với khẩu hiệu “nói không với ăn xin ở xe điện ngầm”. Trong chiến dịch này, người dân có thể báo động qua đường dây nóng cho cảnh sát bắt người ăn xin để xử lý. Số liệu chính thức cho biết tính từ đầu năm nay đến giữa tháng 8, cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ gần 1.000 người ăn xin ở các tuyến xe điện ngầm, trong đó khoảng một nửa từng bị bắt tới hơn 10 lần. Luật pháp hiện hành không cho phép giam giữ người ăn xin mà chỉ bắt để khuyên can rồi thả ngay. Bị bắt nhiều lần nhất là chàng trai 22 tuổi họ Hà: 308 lần, cụ bà họ Trần 88 tuổi: 292 lần, chàng trai họ Bào 27 tuổi: 241 lần. Điều tra của Giải phóng nhật báo cho biết vì Thượng Hải là thành phố giàu có, đời sống người dân sung túc nên người ăn xin ở khắp nơi trong nước kéo tới để kiếm sống. Một người đàn ông 41 tuổi được giấu tên, khai với cảnh sát mỗi ngày xin được 500 nhân dân tệ (NDT - 1,6 triệu đồng) và nhiều người bạn của ông may mắn hơn, kiếm được 1.000 NDT (3,2 triệu đồng). Một người thu gom ve chai và sách báo cũ họ Tề than thân trách phận: “Người ăn xin kiếm được nhiều tiền hơn tôi vì hôm nào may mắn nhất, tôi chỉ kiếm được 5 NDT (16.000 đồng) từ tiền bán ve chai”. Cụ ông Lã Kim Trụ, 85 tuổi, người tỉnh An Huy, kể với phóng viên báo Bưu điện phương Đông của Thượng Hải: “Tôi được bạn bè rủ tới xin ăn ở Thượng Hải vì thành phố này rất giàu. Ở quê hương tôi, nông dân rất nghèo, không đủ sống”. Bài phóng sự điều tra của Bưu điện phương Đông thông cảm với nỗi khổ của cụ Lã và đặt câu hỏi “tại sao chấp nhận được tình trạng có những người ăn xin bồng bế trẻ nhỏ kiếm được tới 10.000 NDT/tháng ở các tuyến xe điện ngầm Thượng Hải?”. Với câu hỏi này, Tân Hoa Xã nhận xét: Chiến dịch chống ăn xin ở xe điện ngầm của cảnh sát Thượng Hải phát động khiến nhiều người đau lòng, kể cả giới báo chí. Có thể gọi đó là “sáng kiến” không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quảng Cáo

Tham Gia Blog

Popular